HÒA THƯỢNG TUYÊN HOÁ ĐÃ KHUYÊN DẠY VỀ VIỆC THỐNG NHẤT NAM VÀ BẮC TÔNG PHẬT GIÁO

-

“… nên loại bỏ quan điểm tông phái trong Phật giáo.

… xóa bỏ ranh giới của Đại thừa và Tiểu thừa.

… xóa đi sự phân chia tông phái trong Phật giáo, và không nên bị chia rẽ.

… sẽ luân phiên từng ngày dùng nghi lễ Bắc Tông và Nam Tông và không bám chấp vào sự phân biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

… phải đọc Thần chú Lăng Nghiêm và các thần chú khác mỗi ngày.

… Trong Phật giáo, chúng ta nên giao tiếp với nhau và từ bỏ chấp trước vào Đại thừa và Tiểu thừa. Chúng ta nên học hỏi lẫn nhau.

… Trong quá khứ, các Phật tử Đại Thừa Phật tự cho mình là Đại Thừa (Chiếc xe lớn), trong đó bao gồm luôn Tiểu Thừa (Chiếc xe nhỏ). Những người Tiểu Thừa thì bám chấp vào đường lối riêng của họ và đã không thừa nhận Đại Thừa. Việc này giống như giết chính người thân của mình. Chúng ta tất cả đều là các đệ tử của Đức Phật, chúng ta nên tiếp nhận và ảnh hưởng lẫn nhau, và không phân biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

… Nam Truyền không nên cứ tiếp tục chạy về hướng Nam, và Bắc Truyền không nên tiếp tục chạy về hướng Bắc. Hai bên nên hòa hợp ở Trung Đạo.

… Nếu chúng ta có thể duy trì thái độ và chí nguyện như vậy trong mọi hoàn cảnh, Phật giáo chắc chắn sẽ phát triển rộng rãi. Nếu chúng ta khăng khăng phân biệt giữa chúng ta và những người khác, thì mỗi bên sẽ chỉ là một nửa tách biệt, không viên mãn. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể thấy mọi sự việc đều được kết nối dung thông với nhau, để Phật giáo có thể đạt đến chân thật viên dung vô ngại, đến được vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, hữu tình và vô tình đồng đạt được trí tuệ hoàn hảo. Đây là những chí nguyện của tôi Những điều tôi nói ra không có gì mới, nhưng tôi đưa ra vì mọi người đã quên những điều này.”

Phật Giáo Trong Kỷ Nguyên Mới

(Bài nói chuyện vào ngày 06 tháng 10, năm 1990 tại Trung Tâm Phật giáo Amaravati ở Great Gaddesden, Hemel Hempstead, Hertfordshire, nước Anh.)

Trước hết chúng ta nên loại bỏ quan điểm tông phái trong Phật giáo. Bước tiếp theo sẽ là xem các tín đồ của tất cả các tôn giáo như thể họ là đệ tử của Đức Phật.

Hòa Thượng Tuyên Hóa nói với Hòa Thượng Ajahn Sumedho: Sau khi chúng tôi trở về Vạn Phật Thánh Thành, chúng tôi sẽ thay đổi cách tụng Kinh Sáng và Kinh Tối. Chúng tôi sẽ luân phiên một ngày tụng tiếng Hoa và tiếng Anh, và ngày kế tụng bằng tiếng Pali và tiếng Anh, chúng tôi sẽ luân phiên tụng theo truyền thống Bắc Tông và Nam Tông. Chúng tôi muốn bắt đầu một khuynh hướng mới và dần dần xóa bỏ ranh giới của Đại thừa và Tiểu thừa. Chúng tôi còn muốn bao gồm cả Công giáo, Tin Lành và tất cả các tôn giáo khác thì chúng tôi càng muốn xóa đi sự phân chia tông phái trong Phật giáo, và không nên bị chia rẽ. Như trong quá khứ, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, và Ngài Ca Diếp đều là người theo các tôn giáo khác và về sau đã trở thành những đại đệ tử của Đức Phật, vì vậy chúng tôi cũng hy vọng có thể đón nhận tất cả các truyền thống và khởi đầu sẽ luân phiên từng ngày dùng nghi lễ Bắc Tông và Nam Tông và không bám chấp vào sự phân biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Bất cứ ai không đồng ý với đề nghị của tôi đều có thể nêu lý do của quý vị và mọi người đều có thể xem xét các lý do này. Chúng ta có thể thêm vào bài tụng đọc buổi sáng và buổi tối, nhưng chúng ta không thể rút ngắn các bài tụng đọc. Giống như việc ăn: trong mỗi bữa ăn, chúng ta luôn muốn ăn nhiều hơn, không phải ăn ít hơn. Nếu quý vị chỉ muốn ăn cho đến khi no tám mươi phần trăm, thì quý vị có thể ăn ít hơn một chút. Nhưng chúng ta vẫn phải đọc Thần chú Lăng Nghiêm và các thần chú khác mỗi ngày.

Đây là Thời đại Không gian, và Phật giáo cũng đang bước vào một kỷ nguyên mới. Chúng ta muốn Phật giáo bao gồm tất cả các tôn giáo. Trong Phật giáo, chúng ta nên giao tiếp với nhau và từ bỏ chấp trước vào Đại thừa và Tiểu thừa. Chúng ta nên học hỏi lẫn nhau. Ít nhất chúng ta nên học hỏi từ người khác những gì chúng ta không biết, còn việc họ có học hỏi từ chúng ta hay không thì không quan trọng. Đây là một kỷ nguyên mới trong Phật giáo.

[Ghi chú của người biên tập: Sau khi phái đoàn châu Âu trở về Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1990, Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới đã tích cực bắt đầu thực hiện sứ mệnh tập hợp các truyền thống Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông. Từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1991, Vạn Phật Thánh Thành đã bao gồm phần tụng kinh tiếng Pali như là một phần trong buổi tụng kinh sáng. Vào ngày 3 tháng 5 năm 1991, Tăng đoàn tại Vạn Phật Thánh Thành đã nhận một món quà là Y và Bát Nam Tông từ Trung tâm Phật giáo Amaravati. Từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1991, một khóa tu thiền của Nam Tông được tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành, và các tu sĩ Nam Tông Theravadan được mời làm Giới Sư trong các Lễ Truyền Giới được tổ chức vào tháng 7 năm 1991. Những bằng chứng này cho thấy những nỗ lực của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới nhằm loại bỏ sự khác biệt giáo phái và thúc đẩy sự hợp tác và thống nhất trong Phật giáo.]

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Trong quá khứ, các Phật tử Đại Thừa Phật tự cho mình là Đại Thừa (Chiếc xe lớn), trong đó bao gồm luôn Tiểu Thừa (Chiếc xe nhỏ). Những người Tiểu Thừa thì bám chấp vào đường lối riêng của họ và đã không thừa nhận Đại Thừa. Việc này giống như giết chính người thân của mình. Chúng ta tất cả đều là các đệ tử của Đức Phật, chúng ta nên tiếp nhận và ảnh hưởng lẫn nhau, và không phân biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Trước hết, chúng ta nên loại bỏ quan điểm phân chia tông phái trong Phật giáo. Tiếp theo, chúng ta nên đối xử với các tín đồ của tất cả các tôn giáo như là các đệ tử của Đức Phật như Ngài Ma Ha Ca Diếp, Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, xem họ là những người chúng ta có thể học hỏi và không khác gì chúng ta.

Nếu chúng ta có thể duy trì thái độ và chí nguyện như vậy trong mọi hoàn cảnh, Phật giáo chắc chắn sẽ phát triển rộng rãi. Nếu chúng ta khăng khăng phân biệt giữa chúng ta và những người khác, thì mỗi bên sẽ chỉ là một nửa tách biệt, không viên mãn. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể thấy mọi sự việc đều được kết nối dung thông với nhau, để Phật giáo có thể đạt đến chân thật viên dung vô ngại, đến được vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, hữu tình và vô tình đồng đạt được trí tuệ hoàn hảo. Đây là những chí nguyện của tôi Những điều tôi nói ra không có gì mới, nhưng tôi đưa ra vì mọi người đã quên những điều này.

Pháp sư Hằng Thuận: Con nghĩ rằng một phương pháp hay là nên sử dụng âm nhạc Phật giáo trong nghi thức xướng tán tụng kinh và các nghi lễ như là một cách để đưa Phật giáo và tất cả các tôn giáo khác đoàn kết với nhau.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Bây giờ tôi muốn hiến tặng Vạn Phật Thánh Thành như một món quà cho tất cả các Phật tử Bắc Truyền (Đại thừa) và Nam Truyền (Tiểu Thừa). Bất cứ khi nào các Phật tử Bắc Truyền muốn sử dụng các cơ sở của Vạn Phật Thánh Thành, họ đều có thể sử dụng, các Phật tử Nam Truyền muốn sử dụng các cơ sở của Vạn Phật Thánh Thành cho bất kỳ hoạt động nào họ thích, họ cũng đều có thể sử dụng Vạn Phật Thánh Thành, tôi đều hoan nghênh. Điều kiện duy nhất cho lời đề nghị chưa từng có này là mọi người phải tuân thủ giới luật không cờ bạc, hút thuốc, v.v. và họ nên tôn trọng giới luật của Đức Phật trong thực hành của họ.

Pháp sư Hằng Triệu: Hòa Thượng Sumedho muốn dùng Vạn Phật Thánh Thành để để tổ chức hai tuần thiền thất vào năm tới.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Đừng nói là hai tuần, Ngài có thể dùng hai tháng hay hai năm đều được.

[Ghi chú của người biên tập: Hòa Thượng Ajahn Sumedho và Hòa Thượng Ajahn Amar đã hướng dẫn khóa tu thiền 16 ngày theo phương cách Nam Tông từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1991.]

Pháp sư Hằng Triệu: Họ đang yêu cầu một khu vực đặc biệt và mời chúng ta cũng đến tham dự.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chúng ta sẽ theo sự hướng dẫn của họ và họ làm gì thì chúng ta làm theo.

Pháp sư Hằng Triệu: Thật bất khả tư nghì. Chúng ta thường nghe trong các bài pháp thoại rằng chúng ta không nên có chấp trước. Và điều này cũng nói lên rằng (trong Kinh Kim Cang), “Nếu có người nói rằng Như Lai có thuyết Pháp, thì người đó hủy báng Phật. Sự đề nghị của Thượng Nhân (Hòa Thượng Tuyên Hóa) đã thực sự làm cho Kinh điển trở nên sống động. Chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến phương pháp này để mang mọi người lại với nhau. Chúng ta chỉ biết cách bới tìm lỗi lầm của người khác.

Pháp sư Hằng Lai: Trong tương lai chúng ta nên chú ý không dùng danh từ Đại Thừa và Tiểu Thừa mà nên dùng danh từ Bắc Truyền và Nam Truyền.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Tối hôm qua tôi có nói Nam Truyền không nên cứ tiếp tục chạy về hướng Nam, và Bắc Truyền không nên tiếp tục chạy về hướng Bắc. Hai bên nên hòa hợp ở Trung Đạo. Đó là:

Kính người thì người luôn kính

Thương người thì người luôn thương

Đánh người thì người luôn đánh

Mắng người thì người luôn mắng.

Nếu chúng ta không muốn người khác đánh mình, thì chúng ta không nên đánh người khác. Nếu chúng ta không muốn bị mắng, thì chúng ta không nên mắng người khác. Nếu chúng ta không muốn người khác thiếu tôn trọng mình, trước tiên chúng ta nên tôn trọng với người khác.

Pháp sư Minh Chiếu (người Việt): Điều mà Sư Phụ vừa nói không dễ thực hành. Và thậm chí còn khó khăn hơn để làm cảm động người qua việc thực hành điều đó. Hôm qua tôi thấy các Thầy Tỳ Kheo Nam Truyền do trong lòng họ rất cung kính bội phục Sư phụ, họ vô cùng cảm động hoan hỷ tiếp nhận Ngài. Họ rất vui khi lắng nghe Sư phụ và rất ngưỡng mộ Ngài. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự tôn trọng như vậy đối với ai đó; thật cảm động. Tôi tin rằng đó là vì Sư phụ không phân biệt giữa các tông phái khác nhau, Ngài có thể bao gồm tất cả. Đây không phải là điều mà hầu hết mọi người có thể làm.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Đây không phải là chuyện xảy ra trong một ngày một đêm, điều này là do tôi đã hường đến họ lễ lạy. Đó là lý do tại sao họ đều cảm thấy cảm động. Trước đây, nếu quý vị là một tu sĩ Bắc Truyền và quý vị đảnh lễ các tu sĩ Nam Truyền, họ chẳng quan tâm đến quý vị.

Pháp sư Hằng Thật: Trong buổi lễ Truyền Giới Xuất Gia vừa qua được tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành, giới luật Bồ Tát được truyền bằng ba thứ tiếng: Pali, tiếng Anh và tiếng Trung Hoa, đó là một sự việc hiếm có và chưa từng có.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chúng ta không cố tình lập dị làm khác người bằng cách làm điều gì đó chưa từng có, chúng ta chỉ lượm lại thứ gì đó mà người khác đã quên. Chúng ta không thể hiện ra rằng chúng ta đặc biệt và khác biệt với những người khác. Chúng ta giống như mọi người khác, đừng nên có ấn tượng rằng tôi thích trở nên độc đáo, điều đó hoàn toàn không phải vậy. Tôi chỉ làm những việc mà người khác không muốn làm. Có lẽ mọi người đã quên, vì vậy tôi chỉ giúp họ nhớ lại. Tôi thật không có bất kỳ ý kiến nào. Đây là những ý tưởng của mọi người. Tôi nghĩ mọi người đã nghĩ về những điều này, vì vậy đó là lý do tại sao tất cả chúng ta đều đồng ý.

St T Chan Ngo

Facebook Comments Box

Share this article

Recent posts

Popular categories

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Recent comments

Facebook Comments Box