CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC KHANG
TRỤ TRÌ TỊNH XÁ NGỌC VÂN PHƯỜNG 7 – TP.TRÀ VINH TỈNH TRÀ VINH
Tập Sơ lược tiểu sử Cố Hòa Thượng Thích Giác Khang này được chúng con biên tập dựa trên hai tờ khai sơ yếu lý lịch do chính Ngài viết (Một bản khai bằng mẫu năm 1983, một bản viết tay năm 1991) và qua lời kể của sư Minh Cảnh – thị giả thân cận Hòa Thượng khi Ngài còn tại thế. Hiện 02 bản sơ yếu lý lịch này do sư Minh cảnh đang bảo quản và lưu giữ. Viết lại đôi dòng kí ức về Ngài với mong cầu giữ lại được chút gì đó về một bóng hình của bậc chân tu.
Dù gọi Ngài là Hòa Thượng như một cách kính trọng nhưng Phật tử có duyên được gặp tiếp xúc với Ngài vẫn quen gọi một cách gần gũi là Sư
I- THÂN THẾ VÀ GIA TỘC:
Hòa Thượng pháp hiệu Thích Giác Khang, thế danh Tô Văn Vinh, sinh năm 1941 tại Hòa Bình, Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Xuất thân từ một gia đình nho giáo. Cha là cụ ông Tô Lái, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Huôi. Hòa Thượng là con thứ tám trong một gia đình có mười anh em.
II- DUYÊN XUẤT GIA:
Ngài có túc duyên, thiện căn với Phật pháp. Vì có chí hướng với Tam Bảo, cho nên lúc nhỏ, khi Hòa Thượng Giác Khang theo cụ bà vào chùa là muốn ở trong chùa luôn, nhưng cụ ông không cho, bắt phải đi học.
Năm mười bảy tuổi, Hòa Thượng đậu Tú tài một tiếng Việt tại trường Tabert thuộc Công giáo, nhưng Ngài thấy không hợp nên nghỉ học. Gia đình chuyển cho Ngài học tiếng Hoa ở trường Tàu. Sau hai năm, Ngài thi đậu Tú tài hai tiếng Hoa.
Năm mười chín tuổi, do thời cuộc, Ngài thi vào sư phạm. Song song với việc học sư phạm, Ngài tự học và thi đậu Tú tài hai tiếng Việt. Sau hai năm học và tốt nghiệp sư phạm, lúc này Ngài hai mươi mốt tuổi, được bổ nhiệm dạy tại Cái Côn (Kế Sách, Trà Ôn, Cần Thơ).
Mấy năm liền, Hòa Thượng đều hoàn thành xuất sắc giảng dạy và phẩm chất đạo đức tốt. Sau ba năm, Ngài được ngành giáo dục bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Vừa dạy, Ngài vừa tự sưu tầm nghiên cứu kinh điển Phật giáo, trăn trở, thao thức trên con đường giải thoát. Và nhờ có sẵn chủng tử Phật pháp trong alaya, đồng thời Ngài thông thạo Hoa ngữ và Pháp văn cho nên khi tiếp cận giáo lý Phật pháp tiếng Hoa và tiếng Việt, Ngài thông hiểu dễ dàng.
Từ lúc đi dạy, Hòa Thượng Giác Khang đã tập tu các pháp môn và nghiên cứu giáo lý của các tôn giáo khác. Giai đoạn này, Sư tập ngồi thiền và đọc sách thánh nhân, Sư đọc nhiều sách của tu tiên và sách của Nguyễn Duy Cần. Sau một thời gian, cơ thể của Sư không thể dùng thức ăn mặn được.
Thời điểm này, Sư cảm nhận lời Phật dạy qua câu nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành’’. Rồi từ đó, Ngài tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về giáo lý nhà phật và đến tham vấn với nhiều chư tăng về sự xuất gia cũng như giáo lý Phật đà. Ngài cảm nhận được lòng từ bi của chư Phật qua giáo lý ăn chay, từ đó Sư phát tâm trường chay.
Thời đó, thầy giáo là công việc lương cao và cũng là một nghề danh giá, được xã hội tôn trọng nên có nhiều người muốn gả con gái cho Sư. Mẹ của Sư từ dưới quê Bạc Liêu lên tìm Sư và nói rằng “Có người muốn gả con gái cho mày nên tao lên kêu mày về cưới vợ”. Sư nghe vậy nói cụ bà về từ chối người ta liền vì Sư không muốn cưới vợ. Sư sợ cảnh gia đình vì ấn tượng trước đây khi dạy tại trường.
Thấm nhuần lời Phật dạy và chí nguyện xuất gia giải thoát. Năm 1966, Ngài làm đơn xin từ chức. Hòa Thượng về nhà xin ông thân, bà thân xuất gia nhưng không được đồng ý liền mà phải mất mấy tháng thuyết phục.
Sư kể “Ông thân thấy khó mà dễ, bà thân thấy dễ vậy mà khó. Cái tình thương của người nữ mãnh liệt. Tui quỳ xuống xin, ổng nổi giận, nói đi là đi luôn, cấm về nhà, gặp ở đâu là ông đánh ở đó. Còn đến khi quỳ xin bà thân thì bà hông nói gì mà chỉ khóc. Trong mấy tháng trời, mỗi lần tui quỳ xuống xin là bà khóc. Việc kéo dài như vậy đến mấy tháng sau, tui quyết xin một lần và nói với bà thân nếu không cho đi xuất gia thì có thể sẽ đi lính. Thời kỳ đó chiến tranh ác liệt, đi lính thì xem như khó biết có ngày trở về hay không. Vì thương con, sợ cảnh con tham gia chiến trường nên bà thân đã đồng ý cho tui đi tu.
Chiều hôm đó, tui vội vào tịnh xá, bạch với các sư trong tịnh xá về việc bà thân đã đồng ý. Các sư khuyên nên đi ngay trong đêm vì sợ để đến trời sáng bà sẽ đổi ý, sẽ không đi được. Tối hôm đó vào lúc nửa đêm tui dọn hành lý và đi.
Cái tình thương của người mẹ là một điều da diết. Khuya đó, tui định âm thầm đi, không cho ai trong nhà biết vì sợ cảnh đưa tiễn nhưng bà thân linh cảm biết tui sẽ đi. Khi đi ngang phòng của ông bà thân thì nghe tiếng ông thân ngáy o o, nhưng lại nghe tiếng bà thân khóc, bà thân hỏi “sao mày đi giờ này, không đợi sáng mai rồi đi”. Tui nói đi giờ này trời mát dễ có xe nên đi giờ này cho tiện. Bà muốn đưa tui ra xe nhưng tui nói thôi, giờ này khuya rồi bà đưa đi không tiện mà ra đó bà khóc, người ta nhìn thì kì lắm.
Tui đi ngang phòng ông anh với bà chị dâu thì nghe tiếng ông anh ngáy và cũng nghe tiếng bà chị dâu khóc, hỏi tui sao đi giờ này và cũng muốn đưa tui ra xe, tui cũng từ chối. Nhưng rốt cuộc hai bà cũng quyết đưa tui ra xe cho bằng được.
Đó là lần đầu tiên trong đời tui cảm thấy đau đớn. Tui bước lên xe mà nghe tiếng khóc của hai bà, lòng tui đau, nước mắt tui chảy mà tui không có gan quay mặt lại nhìn. Bước mấy bước lên xe mà nước mắt chảy, chân nặng như đá, tui không dám quay lại nhìn bà vì tui biết nếu tui quay lại nhìn bà, tui sẽ bước xuống xe, không đi tu được. Cái tình thương của người nữ da diết và trói cột”.
Ngày 24-4-1966 (âl), Ngài xuôi dòng về Tỉnh Trà Vinh, cầu Trưởng Lão Thích Giác Như, Trưởng Ban Trị Sự thuộc hệ phái Khất Sĩ, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Vân tế độ.
III- PHẬT SỰ VÀ HÀNH ĐẠO:
Ngày 15-10-1966 (âl), Ngài được Trưởng Lão Thích Giác Như truyền trao giới Sa Di.
Từ năm 1978, Sư theo Luật Khất Sĩ của Tổ Sư Minh Đăng Quang, Ngài theo Nhị Tổ Thích Giác Chánh du Tăng hành đạo hoằng pháp độ sinh khắp muôn nơi.
Bát cơm xin ngàn nhà,
Thân chơi ngàn dặm xa,
Muôn dặm đi đi mãi,
Ngủ nghỉ dưới cội cây.
Ngày 15-7-1971(âl), Ngài thọ giới cụ túc Tỳ kheo tại Tịnh xá Ngọc Viên, tỉnh Vĩnh Long.
Nói về quá trình thọ giới, Sư kể: Mọi người khi đó không gọi Nhị Tổ Giác Chánh là Nhị Tổ mà thường gọi là Thượng Tọa. Mới vào xuất gia cùng một lượt với tui có tất cả hơn 10 người nhưng đến khi thọ giới sa di thì chỉ còn khoảng dưới 6 người do quá trình tu từ tập sự 8 giới đến thọ giới sa di, mỗi lần quý sư xin Nhị Tổ cho các ông tập sự thọ giới thì đều bị Nhị Tổ rầy: mấy ông đó (tập sự) mà tu cái gì, đuổi về hết đi. Các sư xin cho thọ giới cũng bị la, bị phạt quỳ hương. Vì mỗi lần xin thì bị rầy la và không được thọ giới nên nhiều người lần lượt bỏ về. Phải ba lần xin, tui cùng các vị tu chung mới được thọ giới mà người chứng minh là trưởng lão Giác Như, bởi lần thứ ba Nhị Tổ vẫn không chịu chứng minh. Chỉ cần cho tui thọ sa di là được vì thọ sa di thì được đi bát, theo du tăng, còn thọ tỳ kheo thì bao lâu cũng được.
Đến khi thọ giới tỳ kheo cũng bị như vậy. Rất khó khăn vì Nhị Tổ không đồng ý. Đến lần thứ ba cũng là nhờ trưởng lão Giác Như chứng minh, nhưng mãi sau này mới biết công hạnh của Ngài độc đáo. Vì sau khi thọ giới tỳ kheo, tui mới có cơ hội nói chuyện với đức Nhị Tổ do Nhị Tổ trước giờ chỉ nói chuyện với tỳ kheo là nhiều, hầu như rất ít nói chuyện với sa di.
Sau khi thọ giới tỳ kheo, tui đi hành đạo chung với Ngài và hỏi thẳng Nhị Tổ về chuyện: sao hồi đó Thượng Tọa khó khăn quá vậy, tụi con bỏ cha bỏ mẹ bỏ nhà cửa đi tu mà thượng tọa còn làm khó tụi con. Nhị Tổ trả lời: “Sư Khang biết hông, ông là thầy giáo đi tu nên cái ngã của ông thầy giáo lớn lắm. Tui nói không cho các ông tu, không cho các ông thọ giới nhưng tui đâu có đuổi ai, cũng không có quăng quần áo của các ông ra khỏi cổng tịnh xá. Nếu các ông thật sự quyết chí tu, cho dù tui có quăng đồ của các ông ra các ông cũng sẽ không bỏ đi. Đường tu sau này còn nhiều pháp nạn, nếu chỉ có khảo như vậy mà mấy ông chịu không nổi thì làm sao mà tu, tu tới cùng”.
Từ đó tui mới thấy hạnh của Nhị Tổ độc đáo và ngày sau gặp pháp nạn càng thắm thía lời Nhị Tổ năm nào.
Năm 1982, Đoàn du Tăng phải giải tán, Ngài trở về Tịnh xá Ngọc Vân hành đạo.
Năm 1983, Trưởng Lão Thích Giác Như, lên dự buổi họp mặt tại Tịnh xá Ngọc Viên, do sức khỏe yếu, Ngài đã viên tịch tại Tịnh xá Ngọc Viên. Và Trưởng Lão Thích Giác Như trao lại ngôi vị Trụ trì Tịnh xá Ngọc Vân cho Hòa Thượng Thích Giác Khang.
Vào buổi trà sáng năm 2012, tại vườn trúc Ngài đọc cho sư Minh Cảnh nghe một bài kệ :
“Đèn trăng quạt gió say mùi đạo
Chiếu đất mùng trời lẽ có không
Vũ trụ xoay vần lòng chẳng bận
Trò đời thay đổi vẫn thong dong.”
và nói vào đêm giao thừa năm 1983-1984, trong lúc ngồi thiền Ngài đã làm bài kệ này tại Tịnh xá Ngọc Vân.
Từ đó, với lòng bi mẫn, Hòa Thượng Thích Giác Khang hoằng dương thuyết giảng giáo lý Phật pháp cho chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ và các phật tử qua các đề tài: Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Duy Thức, Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Sáu – Sáu, Thiền Tông, Tịnh Độ,15 Hạng Chúng Sanh,… Ngài giảng khắp nơi trong ngoài và tỉnh.
Nhìn nhận về người tu, Sư từng dạy: người tu quan trọng nhất là phải có giới luật. Chùa mà không có giới thì không khác gì cái nhà đời, người tu mà không có giới hạnh thì cũng không khác gì người đời. Vì chúng ta còn là phàm phu, thì cần nhìn người tu nào có hành trì giới hạnh mới nên theo tu học ở nơi đó, nơi nào không có giới hạnh thì nên âm thầm tránh xa, cũng không nên phê phán hay chỉ trích.
Cuộc đời của Sư mặc cho thời cuộc đổi thay, tôn giáo cách tân cải tiến, Sư vẫn “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”. Sư là một nhà sư đi trên hành trình giải thoát bằng cách hành trì an trú vào trú dạ lục thời, thời khắc biểu niết bàn, và vì chúng sanh giảng pháp đến giây phút cuối cùng trong cuộc đời.
Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo nơi Sư là một sự trình diễn sống động và chân thật. Một nhà sư ôm bát đi xin, xem kinh thuyết pháp và hành đạo một cách hiện thực khiến cho người phật tử sơ cơ biết thế nào là người tu thật sự và không bị lạc trong mê hồn trận của các trò hý lộng diễn ngôn về hai chữ tùy duyên.
Chúng con nhờ có Sư mới biết thì ra người tu theo như trong kinh sách là có thật, biết được cái gì gọi là tỳ kheo, cái gì là đạo Phật Khất Sĩ và cái gì gọi là tu.
IV- THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Đầu năm 2013, Ngài có nói với sư thị giả (sư Minh cảnh) là sẽ trở về quê một chuyến. Lúc đó, sư Minh Cảnh nghĩ là Ngài muốn về Bạc Liêu nên bạch với sư phụ là để con nói các cô chuẩn bị xe . Hòa Thượng nghe xong cười và nói là đi Ấn Độ.
Ngày 10-02-2013 (âl), Hòa thượng và sư thị giả cùng phật tử trong đoàn hành hương chiêm bái các thánh tích của đức Phật.
Kể từ đó sức khỏe Ngài yếu, biết trước mình không còn trụ thế nữa, Ngài họp các chư Tăng đệ tử lại dặn dò: Các huynh đệ cùng nhau sống lục hòa, giữ giới luật kỹ lưỡng, trao đổi nhắc nhở lẫn nhau kiến thức Phật pháp, để cùng tiến đến con đường giải thoát.
Trước hai ngày viên tịch, mạch không có, huyết áp không hiện lên, bác sĩ quỳ lạy Ngài bạch: Nếu người thường thì đã chết từ lâu, Ngài là bậc Thánh nhân, con đê đầu kính lạy. Tuy thế, Ngài vẫn giảng pháp hướng dẫn những điểm cốt lõi cho phật tử cách tu hành cho tới phút viên tịch.
Ngài xả bỏ báo thân vào lúc 03 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 3 năm 2013 (Quý Tỵ). Ngài trụ thế 74 năm, với 42 hạ lạp.
Xót xa thay ngọn đèn pháp đã tắt. Người phật tử như con trong khoảnh khắc đó nghe như tiếng sầu từ nơi vô thức sâu thẳm của vô lượng kiếp người trầm luân vọng lại, tịch liêu không lời diễn đạt. Nước mắt chảy không phải vì thương ân Sư mà là vì mình không còn điểm tựa Bồ Đề ở chốn hồng trần này nữa.
Hoa ưu đàm tuy ẩn, nhưng hương vẫn ngan ngát thơm bay khắp muôn phương: hương giới đức, hương định huệ, hương giải thoát của một đời chân tu. Với tấm lòng rộng mở vì Phật pháp, đem lại sự an lạc, giải thoát cho mọi người và thương tưởng thế hệ tương lai. Dù nói bao nhiêu cũng không đủ ngôn từ để diễn đạt hết những điều đáng nói về Hòa Thượng Ân Sư.
Hàng đệ tử chúng con đồng phát nguyện theo hạnh nguyện của Hòa Thượng Ân Sư, để gọi là đền đáp thâm ân trong muôn một.
Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Tôn Sư muôn kiếp khó đáp đền.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô A Di Đà Phật