Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Chúng ta thường nghe các vị trưởng thượng hay dạy phải kiệm phước và bòn phước.
Bởi vì người xuất gia là phải làm sao trên đường tu mỗi ngày phước càng tăng, không để bị tổn giảm, mà muốn phước tăng thì phải biết kiệm phước, bòn phước.
Vậy kiệm phước là gì?
Tại sao phải bòn phước?
Trước nói về kiệm phước.
Thí dụ trong cuộc sống thường nhật, về phương tiện sinh hoạt, mỗi người có quyền xài tới mười phần trăm, nhưng mình tiết kiệm chỉ xài tám, chín phần thôi.
Không sử dụng hết phần của mình, đó là kiệm phước.
Người phung phí thức ăn, xài đồ đạc bừa bãi… là không biết kiệm phước.
Trong Phật giáo có lưu truyền câu chuyện về Hàn Sơn và Thập Đắc ở chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai.
Hai ngài đi lượm cơm rơi dưới sàn nước, hoặc cơm thừa người ta đổ, rửa sạch rồi ăn.
Hai vị này chính là Bồ-tát Văn Thù và Bồ-tát Phổ Hiền hiện thân, để lại một bài học đánh thức mọi người phải tiết kiệm của Tam bảo, không được phung phí.
**** Tiết kiệm của Tam bảo là kiệm phước, phung phí là tổn phước.
Đối với Tam bảo, từ một món đồ, hạt cơm, manh áo… cái gì cũng phải quý trọng.
Đó là biết kiệm phước, còn ăn xài bừa bãi thì hiện tại thấy như tốt, được ăn ngon mặc đẹp… nhưng không ngờ đó là tổn phước.
Tu mà để tổn phước thì bị nghiệp lôi dẫn đi, còn biết kiệm phước thì những nghiệp chướng sẽ dần tiêu mòn.
Thế nên cần phải làm sao để phước của mình luôn được tròn đủ, làm phước bao nhiêu thì nguyên vẹn bấy nhiêu, không bị hao mòn mất mát.
Đó là tinh thần kiệm phước.
**** Tại sao phải bòn phước?
Bòn tức là mót từng chút nhỏ gom lại.
Như người đi bòn vàng, mót từng mảng vàng nhỏ để vào trong thau, nhiều mảng vàng nhỏ gom lại mới nấu thành cục vàng lớn.
Cũng vậy, chúng ta tu phải bòn từng chút phước, tu mà không biết bòn phước thì không được.
Trường hợp nào gọi là bòn phước?
Thí dụ huynh đệ cùng trị nhật chung, thấy vị kia sức khỏe yếu làm nặng không nổi, mình mạnh hơn thì sẵn sàng gánh vác làm giúp, không đòi hỏi hoặc nệ hà gì.
Ngoài công tác chung, thấy các huynh đệ khác không đủ sức, không thể làm tròn được, mình cũng nhiệt tình ra tay phụ giúp.
Hoặc có huynh đệ gặp lúc buồn tủi, mình tìm đủ cách để an ủi khuyên lơn họ…
Đó là biết bòn từng chút phước.
Bòn phước là việc hết sức thiết yếu để trong cuộc sống mỗi ngày phước càng tăng, không giảm.
Người tu là sẵn sàng hy sinh cho tất cả.
Nếu việc mình có thể làm được nhưng làm biếng không làm, thấy huynh đệ làm việc nặng nhọc ra sao mặc kệ… đó là tổn phước.
Chúng ta đừng ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình, mà phải đem hết tâm làm việc gì có lợi ích cho huynh đệ thì làm.
Đó là biết kiệm phước và bòn phước.
Thầy kể cho nghe gương của hòa thượng Giám đốc, để Ni chúng biết mà học theo.
Lúc đi học ở Huế, Hòa thượng luôn tận tâm với công tác được trường giao phó và hết lòng với huynh đệ, ai nhờ gì cũng giúp.
Do vậy mọi người đều quý trọng, thương mến ngài. Nhờ tâm tốt mà phước đức ngày càng tăng, làm Phật sự được vuông tròn đầy đủ. Đó là lối sống bòn phước của người trước.
Kế đến là người tu cần phải có đức hạnh, nhưng đức hạnh làm sao mà có? Lúc nào chúng ta cũng có tâm vị tha, thương người, giúp đời.
Gần là với huynh đệ trong đạo, đừng để một ai phải khổ.
Nếu có người bị khổ vì lý do nào đó, hoặc bệnh hoạn hay gặp những điều bất hạnh… thì mình có tâm thương xót giúp đỡ, nhắc nhở an ủi để họ bớt buồn khổ.
Đó là đạo đức của hàng xuất gia, cũng là hạnh tốt vì người.
Người xuất gia phải có đức hạnh trang nghiêm.
Vì mình là người tu, làm gì cũng phải có tư cách của người tu, không nên khi nổi giận thì bất kể, không nhớ mình đắp y Phật, không nhớ tới cái đầu đã cạo.
Nhiều vị mới tu, lúc bình thường tỉnh táo sáng suốt, hành động đều hợp đạo lý.
Nhưng khi bực bội, giận dữ thì quên hết tư cách của mình, nói những lời như người đời, hành xử hệt thế gian.
Đó là thái độ của những kẻ cuồng dại, tự ruồng bỏ chí nguyện xuất gia tu hành và hóa độ chúng sanh của mình.
Người tu dù có buồn giận mười phần, trăm phần, thậm chí ngàn phần cũng phải dẹp qua, không để mất tư cách.
Giữ được hạnh như vậy là giữ đức của người tu, ngược lại là tổn đức.
Người tu đủ phước đức thì làm Phật sự vuông tròn, làm gì thuận nấy, còn phước đức không đủ thì sẽ đưa đến thất bại.
Không phải ai ghét hay phá hoại mình, mà tại mình không đủ phước.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
( Ngày 28/04 (nhuần)/ Tân Tỵ – 19/06/2001)
Trích trong : Tông Môn Cảnh Huấn 3.
Hình ảnh : Sư Ông Trúc Lâm, Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ và cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Tâm .
Nguồn: Thiền Viện Quang Chiếu